Những kinh nghiệm cần lưu ý khi tham gia IRONMAN 70.3 VIET NAM 2021
Những kinh nghiệm cần lưu ý khi tham gia thi đấu giải IRONMAN 70.3 VIET NAM 2021
VNG IRONMAN 70.3 VIET NAM 2021 (Lần thứ 6) đã sắp cận kề, vậy bạn đã chuẩn bị gì cho cuộc thi thú vị này chưa? Ngoài chuẩn bị một thể lực thật tốt, một tinh thần sung mãn, thì các phụ kiện đi kèm và những kinh nghiệm dắt túi cũng vô cùng quan trọng giúp bạn hoàn thành tốt nhất phần thi của mình.
Dù bạn là người mới tham gia lần đầu hay đã tham gia được 1-2 năm, những mẹo dưới đây về khâu chuẩn bị có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian trong cuộc thi IRONMAN 70.3 đấy.
Kinh nghiệm chuẩn bị tốt các loại phụ kiện không những giúp hỗ trợ bạn trong quá trình thi đấu mà còn mang đến cho bạn sự tự tin trong cả chặng đường. Sau đây, DNGBIKE sẽ gợi ý cho bạn một số kinh nghiệm cơ bản mà bạn cần lưu ý trước khi thi đấu.
1. Đối với phần thi BƠI
Đối với phần thi bơi thì dụng cụ duy nhất mà bạn dùng là kính bơi. Có hai điều cần đặc biệt cần lưu ý khi chọn kính bơi chuyên dùng cho thi đấu các giải Ironman 70.3 VietNam
a. Chọn loại kính lớn và chắc chắn
Đối với Giải thi đấu lớn như IRONMAN 70.3 thì bạn nên chọn cho mình một chiếc kính bơi thi đấu, đây là những loại kính được sản xuất chuyên dành cho VĐV thi bơi Marathon, VĐV thi đấu 3 môn phối hợp (Triathlon), hay các dòng kính bơi thiết kế dành riêng cho việc bơi lội ngoài trời, ở các hồ nước thiên nhiên, sông, biển…
Đối với Nhân (Trần Đình Nhân - CEO Công ty TNHH DNGBIKE - VĐV tham gia giải IRONMAN 70.3 Việt Nam 2019), việc kính đeo chắc chắn, không vào nước là điều đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những người mới tham gia. Thật là không ngoa nếu nói thử thách lớn nhất của một giải triathlon như Ironman 70.3 Vietnam là phần thi bơi biển.
Ngoài việc sóng khá to có thể đánh lệch kính bơi của bạn bất cứ lúc nào (tôi đã gặp vài trường hợp sóng đánh bay mất kính trong buổi bơi thử ở Đà Nẵng), việc phải bơi chen lấn bên cạnh 1.000 VĐV khác cũng đủ khiến bạn phải rùng mình.
Việc va đập trong khi bơi là điều khó tránh khỏi, nếu để tuột kính thì sẽ rất khó khăn để ổn định tinh thần, sửa kính và bơi tiếp. Bản thân tôi cũng đã vài lần bị “vung tay vào mặt” đến mức suýt đánh nhau khi bơi, may mắn thay kính bơi vẫn chắc chắn.
Để nhận biết một chiếc kính bơi vừa với khuông mặt, tốt nhất là nên đeo thử đi bơi, và nếu có điều kiện bơi ngoài biển là tốt nhất. Nếu bạn không muốn phí tiền mua nhiều loại kính để thử nghiệm thì kinh nghiệm chọn kính bơi phù hợp là đeo thử kính mà không buộc dây. Nếu kính bám chắc trên mặt thì kính bơi đó phù hợp với khuôn mặt của bạn và ít khả năng bị rơi khi bơi. Nên nhớ, cùng một hãng nhưng có thể có loại kính phù hợp với bạn, có loại kính không vừa.
b. Kính bơi với mắt kính chống lóa
Trong giải Ironman 70.3 Vietnam 2021, khi bắt đầu phần bơi cũng là lúc mặt trời mọc. Và nhiều khả năng khi bạn ra ngoài biên 300m cũng là lúc mặt trời bắt đầu chói chang. Mặt trời sẽ chiếu thẳng hướng đường bơi. Nếu bạn thở bên phải thì sẽ bị ảnh hưởng trong 300m bơi ngang lúc đi và 300m bơi ngang lúc về. Nếu bạn thở cả hai bên thì sẽ ‘dính’ cả chặng bơi chính 1.200m.
Bị mặt trời chiếu chói mắt lúc bơi là điều khó chịu nhất khi bơi biển, khiến chúng ta không thể tập trung bơi và xác định phương hướng dẫn đến việc bị bơi lố thêm đường. Vì vậy khi bơi ngoài trời, các VĐV thường trang bị các loại kính chống lóa để đối phó với mặt trời.
Có hai loại kính bơi chống lóa phổ biến nhất bạn có thể gặp khi mua hàng là: mirrored (tráng gương) và polarised (phân cực). Loại kính phân cực có khả năng giảm tia nắng cao hơn rất nhiều so với loại tráng gương. Nếu bạn muốn mua kính bơi biển, hãy chọn loại kính phân cực polarised. (Hình trên)
Kính bơi tráng gương là dòng kính bơi có mắt kính được tráng phủ lớp bảo vệ có đặc điểm làm bề mặt phản chiếu ánh sáng như tấm gương. Một cặp kính bơi tráng gương thoạt nhìn đã toán lên vẻ sang chảnh, đây là dòng kính thiên về thời trang giúp bạn nổi bật hơn giữa đám đông.
Kính bơi phân cực là loại kính bơi với mắt kính được phủ thêm lớp màng lọc có tính năng ngăn chặn hay hấp thụ các loại tia sáng nằm ngang, chỉ cho tia sáng đứng đi qua, khiến hình ảnh rõ nét và trung thực. Ngoài khả năng chống chói, tròng kính phân cực thường được phủ thêm lớp chống tia UV có hại cho mắt. Có khá ít các loại kính bơi phân cực, thường dành cho các dòng kính bơi open water dùng để thi đấu 3 môn phối hợp.
Kính bơi open water có đặc điểm thiết kế mắt kính lớn, bề mặt vát cong, tối ưu tầm nhìn rộng nhất có thể. Người bơi dễ dàng bao quát xung quanh vì ngoài tự nhiên, ngoài kỹ thuật bơi lội thông thường cần thêm khâu định vị (sighting). Đệm cao su lớn mang lại sự thoải mái và khóa điều chỉnh nhanh dây đeo là những tích hợp cần thiết cho các cuộc đua dài.
Như đã nói, việc chọn kính vừa với khuôn mặt là điều rất quan trọng, vì vậy bạn hãy thử nghiệm và chọn một chiếc kính phù hợp với mình.
2. Đối với phần thi ĐẠP XE
Trong nhóm 3 môn phối hợp (Gồm bơi lội, xe đạp và chạy bộ), xe đạp được xem là môn thể thao đòi hỏi trang bị cao cấp nhất. Với dân chơi xe đạp ở VN, chuyện trang bị một chiếc xe đạp giá hàng chục triệu là bình thường. Nhưng với VĐV Ironman, con số này thậm chí còn cao gấp nhiều lần.
Ông Trần Đình Nhân – Giám đốc Công ty TNHH DNGBIKE cho biết "Với người chơi bình thường, một chiếc xe đạp đua có giá khoảng 10 - 30 triệu đồng là được rồi. Nhưng những người tham dự Ironman lần thứ 2 trở đi, họ biết rằng họ cần một loại xe đạp đặc biệt chuyên dùng cho 3 môn phối hợp, thường được gọi là xe đạp Tri (triathlon bike). Những chiếc xe tri này có giá không dưới 60 triệu và những chiếc tốt hơn có thể lên đến vài trăm triệu đồng”
Với chặng đường lên đến 90km, ngoài những trang thiết bị cơ bản phải có như trang phục đạp xe, mũ bảo hiểm, giày đạp xe, bao tay, kính, bình nước,... thì có lẽ một vấn đề nhiều người lo ngại nhất trong môn đạp xe ở một cuộc thi triathlon là xe gặp sự cố, và một trong các sự cố thường xảy ra nhất là thủng săm, lốp giữa đường.
Trong khi Luật thi đấu của Ironman 70.3 Vietnam cấm sự giúp đỡ bên ngoài nên chúng ta bắt buộc phải mang đồ để tự sửa bao gồm: Săm dự phòng, bình khí nén Co2, dụng cụ móc lốp và bộ allen key nhỏ, một tờ tiền polymer.
Tiền polymer để làm gì khi đạp xe? 1 tờ polymer sẽ được sử dụng để che lên chỗ lốp bị thủng (ở phía trong). Vì sao phải làm vậy? Điều này giúp bảo về săm mới không bị chà xát với vết thủng cũ. Bạn có từng nghe nói có người xui xẻo tới nỗi vừa thay săm lại thủng tiếp? Không phải do ngẫu nhiên đâu, lý do là vì họ không sử dụng kinh nghiệm với tờ tiền polymer này đấy (hoặc cũng có thể chưa gỡ mảnh kim loại vẫn còn dính trên lốp).
Sau khi chúng ta chuẩn bị đủ đồ nghề để tự sửa thì câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để mang chúng theo xe. Một kinh nghiệm mang dụng cụ trên xe là dùng bình đựng dụng cụ sửa chữa: hộp đựng đồ nghề GIYO, Hộp đựng dụng cụ sửa chữa GIYO kèm đồ nghề
Bình đựng đồ nghề GIYO này được thiết kế với kích cỡ bằng bình nước trên xe, vì vậy có thể lắp vào gọng nước và mang theo dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn không thể mua được bình GIYO này, hoặc ngại giá tiền (thực ra chỉ 99.000đ bạn đã có ngay hộp đựng, hoặc 289.000đ cho hộp đựng kèm dụng cụ sửa chữa) thì bạn cũng có thể sử dụng bình đựng nước cũ. Chỉ cần chọn loại bình đựng nước có miệng rộng và bỏ dụng cụ vào đó rồi đặt lên gọng nước là bạn đã có một hộp dung cụ mang trên xe hoàn chỉnh.
Một trong những trang bị quan trọng không thể thiếu mà các VĐV đạp xe thường hay quên, có lẽ đây là trang bị đồng hành xuyên suốt hành trình thi đấu 3 môn phối hợp đó là Gel bổ sung năng lượng. Việc thi đấu cường độ cao (Bơi 1.9km, đạp xe 90km, chạy bộ 21km) đòi hỏi tiêu tốn rất nhiều năng lượng gây mệt mỏi cơ thể, vì vậy việc cung cấp năng lượng tức thì cho cơ thể khi thi đấu cường độ cao là cực kì quan trọng.
Một trong những loại thực phẩm bổ sung năng lượng thi đấu được các VĐV ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất hiện nay là Gu năng lượng.
- Tìm hiểu thêm về GU ENERGY GEL (Gel năng lượng GU)
- Tìm hiểu thêm về GU ROCTANE
- Tìm hiều thêm về các sản phẩm GU tại đây
3. Đối với phần thi CHẠY BỘ
Một điều khó chịu khác khi thi đấu triathlon là dây giày bị tuột khi chạy. Việc này không những làm bạn mất thời gian buộc lại dây mà còn khiến nhịp độ chạy của bạn bị ảnh hưởng, thậm chí có thể làm bạn bị chuột rút nếu lúc đó bạn đang mệt mỏi và cố gắng hoàn thành nốt những km cuối cùng của cuộc thi.
Để tránh điều này, một kinh nghiệm được truyền lại bởi các VĐV chuyên nghiệp cũng như các VĐV SEA Games, đó là dùng dây giày thông minh để buộc giày chạy, thay vì dùng dây giày thông thường. Dây giày thông minh thực tế là dây chun có thể co giãn, không cần buộc mà được chốt khóa dính (ảnh dưới).
Dây giày thông minh giúp bạn giải quyết được nhiều vấn đề:
- Có thể xỏ vào dễ dàng sau khi hoàn thành phần đạp. Tiết kiệm được 30 giây tới 1-2 phút.
- Không bao giờ bị tuột nhờ cơ chế khóa
- Dây có tính đàn hồi cao nên không những xỏ vào dễ dàng mà còn rất ôm chân, tạo cảm giác chắc chắn khi chạy. Nếu chẳng may mua phải giày hơi rộng một chút thì bạn vẫn có thể sử dụng được với điều kiện dùng dây giày thông minh (có thể kèm theo đi tất dày một chút).
Dây giày thông minh được bán khá phổ biến trên các sàn giao dịch như Lazada hay Shopee. Nếu bạn muốn mua ở nước ngoài thì tên của mặt hàng này là “elastic lace”. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm trên các sàn giao dịch ở Việt Nam, tuyệt đối không sử dụng từ khóa “elastic lace” mà phải sử dụng từ “dây giày thông minh”, nếu không muốn bị lâm vào cảnh trớ trêu như hình dưới.
Lưu ý: Đừng tìm kiếm Elastic Lace nhé. Hãy tìm “Dây giày thông minh” :))
Trên đây là một số kinh nghiệm mà Nhân đúc kết được sau lần thi đấu giải IRONMAN 70.3 Đà Nẵng năm 2019, và một số kinh nghiệm Nhân được các VĐV thi đấu chuyên nghiệp chia sẽ.
Hy vọng với những kinh nghiệm ít ỏi trên phần nào giúp được cho các ae mới tham gia giải IRONMAN 70.3 tại Việt Nam có thể hoàn thành tốt hơn các phần thi của mình. Nếu bạn có kinh nghiệm nào khác hãy mạnh dạn comment chia sẽ để mọi người cùng tham khảo nhé.